Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Giới thiệu Tour đang xây dựng của vườn Trohbư - Bản Đôn

Giới thiệu Tour đang xây dựng của vườn Trohbư - Bản Đôn
07:52 3 thg 12 2010 Công khai 17 Lượt xem 12
I. Phần ở vườn Trohbư:
Với định hướng Trohbư sẽ là điểm nền cho tour này, du khách sẽ dùng cơm ở đây để thưởng thức văn hoá ẩm thực Tây nguyên và ở lại  để trải nghiệm một Đêm Tây nguyên huyền thoại. Một số điểm đến của du lịch Buôn Đôn sẽ được ghép thêm vào chỉ với mục đích làm hấp dẫn thêm cho tour nếu cần (Vườn Trohbư của tôi ).

Vì vậy, nếu là Tour 1,5 ngày thì sau khi vào Bản Đôn, cố gắng cho khách về vườn Trohbư trước 11h là hay nhất. Đây là một khu vườn cảnh tư nhân đẹp, rất tây nguyên và rất rừng.  Ở Trohbư du khách sẽ có nhiều cơ hội tìm hiểu về văn hoá cà phê tây nguyên, thưởng thức những ly cà phê rang xay theo kiểu truyền thống hoặc hoà mình, trải nghiệm cuộc sống của một chủ đồn điền cà phê thập niên năm mươi, khi tây nguyên còn bị xem là vùng sơn cước (Giới thiệu Tour trải nghiệm cuộc sống của một điền chủ cà phê Ban mê ). Du khách còn được chiêm ngưỡng vườn lan tự nhiên của rừng Dak Lak, nơi đây đang từng bước cựa mình để tiến đến mục tiêu trở thành một công viên lan rừng. Được tự tay thử gõ dàn Chiêng đá (Goong Lú) có một không hai
Trohbu 2910 49.jpg
Chiêm ngưỡng chiếc thuyền độc mộc to nhất Việt Nam
Khach trohbu 081011 02.JPG
Và có thể là tham gia tour tát cá để hoà mình vào cái huyền thoại ngày xưa mà vùng đất này mang tên (Mời thử tour tát cá trong vườn Trohbư )...

Chiều, 1h30 bắt đầu tour tham quan vườn và nghe giới  về huyền thoại lũng cá lóc cùng sự hình thành của buôn Niêng, một buôn làng cổ có nhiều chiêng, chóe nhất vùng tây nguyên.
Nếu đủ thời gian hoặc tùy theo yêu cầu, du khách có thể được dẫn đi tham quan bến nước buôn Kó Đung. Nơi đây vẫn giữ nguyên vẹn tập quán sinh hoạt cộng đồng  và lấy nước ăn như hàng trăm năm trước ( Bến nước ở Tây nguyên).

Ngoài ra, du khách còn có thể đi tham quan ngôi nhà dài cổ được xem là giá trị nhất của Dak Lak cho tới thời điểm hiện tại nằm ở Buôn Niêng gần đó (Nhà sàn cổ Buôn Niêng ). Trong căn nhà sàn này hoặc nếu thời gian không cho phép thì sẽ là ngôi nhà dài trong vườn Trohbư,  du khách sẽ được nghe giới thiệu về lịch sử, phong tục, tập quán của người Êđê. Tìm hiểu từ cách lên cầu thang, cách ngồi vào vị trí nào trong căn nhà dài, đến bộ chiêng bộ ché, trống, K' pan...  Cái cách người con gái Êđê hò hẹn khi đến tuổi cập kê cũng như cách cô ta “bắt chồng” khi muốn chung sống với người mình yêu…Đặc biệt là được nghe và xem diễn tấu Cồng Chiêng trong một không gian cồng chiêng đúng điệu.

Chiều tối, tùy theo yêu cầu của khách có thể đốt lửa trại vui chơi hay ăn cơm giao lưu văn nghệ có đốt bếp lửa trên sàn. Du khách sẽ tiếp tục được thưởng thức đặc sản ẩm  thực vùng miền như các món gà nướng, Heo đốt dân dã   uống rượu cần và rượu Ama Kông ... mang thương hiệu Trohbư rất đặc sắc. Đặc biệt du khách có thể tham gia trực tiếp vào những món hấp dẫn  như nướng gà, đốt heo (Món gà nướng trong vườn Trohbư ).

Khach trohbu 081011 06.JPG
Còn nếu thời gian ngắn thì có thể bỏ hẳn phần đi tham quan Bản Đôn. Tập trung ở ngay vườn Trohbư vào buổi sáng để thưởng thức những phin cà phê tự pha. Chuyển phần tham quan nhà dài cổ lên ngay buổi sáng, sau khi sang bến nứơc xong, du khách sẽ đi bộ theo lối mòn về vườn cũng đã đủ hết ngày rồi. (Mời thử tour đi bộ của Trohbư cùng người Ban mê)
I. Các sản phẩm kết hợp: Vì đây là một tour quá mới và nếu chỉ ở mỗi trong vườn thì khó gây ấn tượng. Vì vậy cần kết hợp với những điểm có sẵn trong vùng Bản Đôn để  phong phú thêm sản phẩm của tour.
Lựa chọn 1. Đi thăm vườn quốc gia Yók Đôn
Sáng tập kết ở Văn phòng vườn quốc gia. Nghe giới thiệu về khu vườn quốc gia có diện tích lớn nhất nước. Có hệ sinh thái rừng Khộp rất đặc trưng của Tây nguyên. Nơi đang có dự án  xây dựng thành Khu bảo tồn loài voi châu Á đang bên bờ đe dọa tuyệt chủng. Nghe giới thiệu về lịch sử hình thành và văn hóa săn bắt voi của Bản Đôn huyền thoại (Đi chơi vườn quốc gia Yok Đôn cùng với người Ban mê ).
Từ đây Du khách sẽ được cưỡi voi vượt sông serepôk để cảm nhận cái thú khó tả của việc lắc lư trên lưng con vật nuôi to lớn nhất nhưng rất đỗi hiền lành của rừng xanh sang vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt của vườn.

Qua bên kia sông du khách có thể lựa chọn tour đi bộ chinh phục đỉnh Yók Đôn cách bờ sông chừng 20km nổi lên như ốc đảo xanh giữa vùng rừng khộp mênh mông hoặc đi bộ đến thác Phật, một ngọn thác rất đẹp nàm cách văn phòng vừơn quãng 10km.  Trên đường đi du khách sẽ tìm hiểu thêm về hệ động thực vật của vườn.
Nếu là tour 1 ngày thì khách sẽ lên xe ô tô địa hình từ chân đỉnh Yók đôn về đi thuyền máy qua sông, hoặc đi thuyền máy dạo sông Sê repok thêm một đoạn từ Thác Phật  về văn phòng vườn QG nơi để xe ô tô, để kịp về vườn Trohbư, tâm điểm chính của Tour trước 11h.
Nếu là tour hai ngày thì du khách sẽ ăn trưa ngay trên đỉnh Yok Đôn và tối về đốt lửa cắm trại ăn tối, ngủ võng hoặc túi bạt bên Thác Phật. Hoặc ghép phần lựa chọn 2 là đi thăm làng đảo Bản Đôn nhưng bắt đầu bằng bữa trưa trên sàn  cầu treo, chiều tối về với vườn Trohbư.
Lựa chọn 2. Thăm làng đảo Bản Đôn
Theo tiếng Êđê và M’nông thì  Buôn có nghĩa là làng nhưng ở vùng này do cư dân chủ yếu là người lào nên ngày xưa được gọi là Bản cũng theo nghĩa thế.  Đôn có nghĩa là đảo và người ta đặt tên này là Bản Đôn vì xuất phát của vùng này là một ngôi làng nhỏ nằm trên một ốc đảo bên  dòng sông Sêrêpok, đoạn gần  thác Bảy nhánh. Tuy nhiên hiện tại nơi ta đến du lịch là  khu làng đảo mới có Du lịch cầu treo.  Tại đây, vào mùa xuân, khoảng tháng 3 âm lịch có tổ chức hội đua voi truyền thống hàng năm với sự tham gia của Voi nhà đến từ khắp nơi với sự thi tài điều khiển của những chàng trai M’nông, Êđê, Lào. Ở đây còn có một cái cầu treo thô sơ được bắt trên cây rất ấn tượng với khách du lịch khi đến với Bản Đôn.
Điểm kế tiếp đáng chú ý khi đến với bản Đôn là khu Lăng mộ vua săn voi nằm trong quần thể nghĩa địa của buôn Yang Lành với những ngôi mộ được trang trí bằng tượng nhà mồ, một nét rất đặc trưng của văn hoá Tây Nguyên. Ở đây Du khách sẽ tiếp tục được nghe kể chuyện về  vua săn bắt voi và những truyền thuyết liên quan về đàn voi nhà được săn bắt và thuần hoá tại đây. Danh hiệu vua Xiêm (Thái Lan) ban cho N' Thu K' Nul, một nhân vật lịch sử có thật đã trở thành một huyền thoại của vùng Bản Đôn nổi tiếng về truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ông là người dân gốc, được coi như người khai sinh ra Bản Đôn với nghề săn bắt thuần dưỡng voi. Trong đời ông đã bắt được và thuần dưỡng hơn 340 con voi rừng, trong đó có một con bạch tượng rất quý được ông đem tặng cho vua Xiêm và đổi lại được ban cho danh hiệu Khun Yu Nốb tức vua voi. Ngoài con Bạch Tượng kể trên, Buôn Đôn từng có một được dành tặng vua Bảo Đại và một được Ngô Đình Diệm, Tổng thống chế độ ngụy quyền cũ thu nhận.

Quần thể khu lăng mộ của Khun Yu Nốb dễ dàng nhận biết từ xa với một ngọn tháp trắng vút lên trời, nổi bật trong cả nghĩa trang. Thực ra đây chính là mộ của một ông vua săn bắt voi khác tên là R'leo K'Nul là  người cháu ruột kế thừa cương vị vua voi của ông. Ông cũng  là người nổi tiếng với việc  săn bắt và thuần dưỡng trên ba trăm con voi rừng. Mộ R'leo K'Nul được xây theo mô típ hình chóp nhọn của dân tộc Cam Pu Chia và do chính vua Bảo Đại cho người sưu tầm kiểu dáng và xây dựng để cảm tạ về con voi trắng mà vua voi tặng cho ông cùng công xây dựng đội tượng binh hoàng gia. Mộ của Khun Yu Nốb ở ngay bên cạnh, có kiến trúc M'nông và Lào với mô típ hình khối đơn giản trên có trang trí hình búp sen ở bốn góc và đỉnh mộ. Do hai ngôi mộ liền kề nhau và kết hợp hài hòa như một nên chính là lý do vì sao người ta hay nhầm tưởng đây là một ngôi mộ duy nhất và mộ R' Leo mới là mộ vua voi Khun Yu Nốb  ( Mộ Vua Voi Khun Yu Nốb ở Bản Đôn ).
Ngoài ra, ở  Bản Đôn đang còn một di tích khác liên quan đến huyền thoại vua voi đó là ngôi nhà cổ được giới thiệu có niên đại gần 120 năm tuổi. Đây chính là ngôi nhà của vua voi Khun Yu Nốb. Được làm hoàn toàn bằng các lọai gỗ tốt của rừng già Buôn Đôn như Hương, Căm xe, Cà chít... nên trải qua hơn trăm năm mưa nắng khắc nghiệt của Tây Nguyên, ngôi nhà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn nét kiến trúc ban đầu đặc biệt là lớp mái ngói gỗ cà chít được đẽo bằng tay. Hiện nay ngôi nhà được công nhận như là một di sản văn hóa, kiến trúc, lịch sử của ĐắkLắk.
Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ từ hệ thống cột kèo, khung sàn, vách đến các hoa văn trang trí nội thất, các chất liệu thay cho đinh, vít, chốt...  . Phần mái là phần đặc biệt nhất của ngôi nhà với loại ngói gỗ được đẽo gọt theo hình dáng viên ngoí để lợp. Kiến trúc ngôi nhà là kiểu nhà của dân tộc lào với sàn cao, mái nhọn. Ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc Lào, nhà sàn, hai đầu hồi mái nhọn thon vút, ba gian có thể tháo rời  ra từng phần.
Ngôi nhà được khởi công xây dựng vào ngày 07/10/1883 do một nghệ nhân ngành mộc nổi tiếng người Lào là Khavivôngsao trực tiếp đảm nhận thiết kế và xây dựng. Với cương vị là một tổng thầu và là chỉ huy thi công thi công ngôi nhà, nghệ nhân Khavivôngsao đã tuyển chọn một đội ngũ thợ  lành nghề gồm 14 thợ chính hơn 10 thợ phụ, đồng thời huy động hơn 18 voi tham gia khai thác gỗ và hỗ trợ dựng nhà. Người ta ước tính đã sử dụng hết hàng trăm mét khối gỗ tốt như: Căm xe, cà chít, cẩm lai … tạo dựng ngôi nhà này. Riêng phần mái lợp ( 2cm x 12cm x 25cm ) đã có đến 7,5m khối gỗ cà chít được sử dụng .
Thời gian thi công kéo dài 1 năm 4 tháng 12 ngày ( tổng trị giá ngôi nhà là 12 voi có nhà dài ), đến ngày 19 tháng 2 năm 1885 ngôi nhà chính thức đưa vào sử dụng. (Lễ tân gia trị giá 22 trâu )
Năm 1929, do một trận đại hoả hoạn, ngôi nhà được tháo ra và di chuyển đến địa điểm hiện nay cách địa điểm ban đầu hơn 1km về phía Nam và cuối cùng được đặt tại đây và theo sự tàn phá của thời gian cũng như khó khăn trong việc tìm nguyên liệu bổ sung, tôn tạo kiến trúc ba gian mái nhọn của nhà người Lào nay chỉ còn hai.
Khi tham quan ngôi nhà này, du khách sẽ có dịp tìm hiểu, khám phá về cuộc sống con người Tây Nguyên, xem các công cụ săn bắt thô sơ, và đặc biệt là các sản phẩm đặc sản từ rừng như những vị thuốc của thiên nhiên. Trong căn nhà, nhiều vật dụng liên quan đến vua voi Khun Yu nốb vẫn được giữ gìn cẩn trọng như chiếc mâm đồng treo trên vách, những dụng cụ để săn bắt voi như sợi dây làm bằng da trâu, những chiếc tù và, xà gạc, gùi… nằm khép mình trầm mặc bên cạnh chiếc bếp lửa truyền thống. Ngôi nhà hiện đang được người cháu gái của ông trông giữ (Nhà sàn cổ ở Bản Đôn )

Nếu muốn kéo dài tour thì sau khi rời ngôi nhà cổ chúng ta sẽ cho du khách đi tham quan chiếc  cầu treo trên cây như đã giới thiệu ở trên, cho du khách nghỉ ngơi, ăn trưa trên những sàn gỗ trên cây trên chính hệ thống cầu treo (CẦU TREO BẢN ĐÔN ). Chiều du khách cưỡi voi vượt sông sáng tham vườn quốc gia như lựa chọn 1 trước khi  lên xe về với vườn Trohbư và chuẩn bị cho kế hoạch chơi buổi tối.
Trohbu 140311 05.JPG
Còn nếu tour ngắn chúng ta sẽ kết thúc ngay phần đi tham quan Làng đảo Bản Đôn vào lúc 10h sau khi đi chơi cầu treo, để về vườn Trohbư vào lúc 11h giống như đối với lựa chọn 1.
Nhiều Du khách đã đến nơi dây và không thể nào quên với những Đêm Tây nguyên huyền thoại trong vườn Trohbư (Đêm không ngủ trong vườn Trohbư ). Vậy tại sao bạn lại không chọn nơi này làm điểm đến và thử một lần xem sao nhỉ?
Các hoạt động khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét